blog

Kinh nghiệm làm bài thi đại học của các thủ khoa

26/06/2016 trong THPT Quốc gia & Đại học 2016

Trải qua 3 cấp học và 12 năm học tập rèn luyện. Đối mặt và vượt qua kỳ thi đại học để vào được các trường mong muốn, luôn là mục tiêu lớn nhất của bất kỳ học sinh nào. Megamart xin tổng hợp các kinh nghiệm làm bài thi đại học của các thủ khoa các trường lớn trên cả nước. Bất cứ công việc nào, trong đó có việc học, khi có phương pháp và cách làm tốt và đúng đắn, triệt để. Kết quả sẽ luôn rất tích cực. Hi vọng những chia sẻ ngay sau đây sẽ giúp ích cho các bạn học sinh cuối cấp sắp và đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học 2016.

Kinh nghiệm chung làm bài thi đại học:

  1. Kiểm soát thời gian

Khi làm bài thi cần chú trọng việc phân chia thời gian cho các câu hỏi dựa trên điểm số của từng câu, câu nào dễ làm trước, khó làm sau. Tận dụng triệt để quỹ thời gian cho phép. Khi ra đề, các thầy cô chắc chắn đã tính toán cẩn thận điểm số, thời gian cho mỗi câu hỏi.

  1. 15 phút cho thành công

Luôn luôn dành 15 phút đầu tiên để đọc tất cả các câu hỏi trong đề, vạch ra dàn ý đại cương cho mỗi câu hỏi: bạn sẽ trả lời những ý gì? Tốt nhất nên chia theo tiểu mục 1, 2, 3... a, b, c... Cho mỗi ý lớn, nhỏ. Tuyệt đối không được bỏ qua công đoạn này, đặc biệt đối với việc lập dàn ý cho các câu hỏi khó vì khi gần hết thời gian tâm lí ai cũng hoang mang, rất khó tập trung để suy nghĩ ra câu trả lời đúng nhất; chỉ có lúc vừa nhận đề thi, tâm lí còn thoải mái, thời gian còn dư, các bạn mới suy nghĩ tốt. Và dĩ nhiên bạn dành ít nhất 15 phút cuối để hiệu chỉnh lại bài thi của mình, kiểm tra lỗi chính tả và chỉnh sửa những điều chưa ưng ý và một lần nữa xác định lại các ý chính.

  1. Tập trung tối đa

Bỏ mặc tất cả các yếu tố bên ngoài, chỉ tập trung vào trang giấy thi, vào chiếc đồng hồ đeo tay và đề thi bên cạnh. Yếu tố tập trung đặc biệt quan trọng.

  1. Không cần chữ đẹp nhưng phải rõ ràng

Không nhất thiết phải có chữ viết thật đẹp nhưng phải thật rõ ràng, dễ đọc. Tốt nhất là dùng ngôn ngữ phổ thông, hạn chế dùng tiếng địa phương trong bài thi vì có thể gây trở ngại cho giám khảo khi nắm bắt nội dung nếu họ không hiểu nghĩa tiếng địa phương bạn sống. Trình bày bố cục tường minh. Mục đích lớn nhất là người đọc, người chấm bài thi phải hiểu bạn muốn nói gì. Đừng bắt người khác phải hiểu cho cách viết của mình, bạn viết mà người khác đọc không hiểu thì làm sao chấm điểm. Việc trình bày bài rất quan trọng.

Kinh nghiệm riêng làm bài thi đại học chia sẻ từ các thủ khoa:

  1. Lê Thành Đạt (28.5 điểm khối A, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): "Giữ bình tĩnh khi làm bài thi và kỹ năng bấm máy tính tốt"

Với môn Toán, thì câu nào dễ thì làm trước, nếu gặp câu hỏi mà nghĩ qua chưa thấy hướng thì lập tức nên chuyển sang làm câu khác. Khi làm bài cố gắng giữ bình tĩnh để nhìn nhận cho đúng dạng của bài. Đồng thời cũng phải bình tĩnh để trình bày thật logic, chặt chẽ và chú ý các yếu tố phụ như điều kiện xác định, thử lại nghiệm, các phép biến đổi,…để soát lỗi. Còn hai môn Lý và Hóa, nên làm tuần tự theo các câu. Câu nào đọc qua mà chưa thấy được đáp án thì phải quay sang làm câu tiếp theo. Sau đó mới quay trở lại làm những câu còn bỏ dở.

Một điều rất quan trọng nữa là các sĩ tử nên rèn luyện kĩ năng bấm máy tính thật tốt. Làm xong một lượt nên bấm lại lượt nữa để cho chắc chắn, cũng như phát hiện các mẹo trong câu hỏi để tránh bị lừa. Khi làm bài luôn giữ đầu óc thật tập trung, không bị sao lãng...

  1. Đặng Quang Huy (28 điểm khối D1, thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội): "Không bị mất điểm lỗi nhỏ và phân tích kỹ vấn đề, viết dàn ý trước khi làm"

Đạt điểm tuyệt đối môn Toán, theo Huy khi đi thi, mỗi sĩ tử nên tỉ mỉ đến từng chi tiết trong bài làm của mình để không bị trừ điểm ở những lỗi sai nhỏ nhất. Với môn Văn - cách học tốt nhất là chia một bài ra có bao nhiêu ý lớn bao nhiêu ý nhỏ, theo từng câu mà tự tổ chức thứ tự của từng ý một. Phải nắm được kĩ năng phân tích đề, trọng tâm của đề là ở chỗ nào, thì phải xoáy vào chỗ đấy. Trước khi đặt bút làm bài thì nên tổ chức ý của câu trong đầu, rồi viết ra giấy nháp để khi viết sẽ không bị lan man và lạc đề.

  1. Trần Nữ Vi Linh (26.5 điểm, thủ khoa ĐH Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TP.HCM ): "Hãy tưởng tượng mình là nhân vật, viết và suy nghĩ thật tự nhiên"

“Mình đã tưởng tượng mình giống như Mỵ hay như người đàn bà làng chài, đau đớn lắm, mỗi lần cảm tưởng bị đánh là thấy run, thế nhưng nhờ vậy mà văn viết ra không bị khô, có tình cảm và tự nhiên”: Hãy cho mình làm nhân vật, nhưng đừng quá đắm vào nhân vật, vì ngòi bút sẽ bị gò, và đôi khi đi quá xa so với đề tài. Học Văn nên phân theo từng chuyên đề riêng, truyện ra truyện, thơ ra thơ, giai đoạn nào ra giai đoạn đó. Lối viết tự nhiên và trôi chảy, nhưng cốt yếu vẫn là ý chính của bài. Nếu đủ ý dù diễn đạt hơi thô, điểm của bạn cũng sẽ không lệch đi là mấy". 

Sử vốn là môn khó nuốt, hãy học các sự kiện, ngày tháng theo cách đặt nó vào một mối quan tâm của bạn. Học Sử thì đừng ngại đám đông, hãy cứ vấn đáp thoải mái, để biết xem mình đã có được những gì trong đầu. Vừa học vừa viết, vừa tưởng tượng mình đi đánh trận, đó là cách ghi nhớ sự kiện hiệu quả mà cô nàng thủ khoa đã áp dụng.

Chỉ cần một cuốn Atlat thôi, bạn đã có thể mang cả quyển sách giáo khoa Địa và trong trí nhớ. Hãy tưởng tượng mình là một hướng dẫn viên du lịch, dắt đoàn khách nước ngoài đi thưởng ngoạn và giới thiệu về đất nước mình. Tư duy hình ảnh là lối tư duy rất hiệu quả, nó giúp bạn học môn Địa một cách trơn tru và nhẹ nhàng nhất, tiết kiệm được thời gian đáng kể luôn đó.

  1. Phạm Hoàng Miên (thủ khoa ĐH KHXH&NV Hà Nội): "Trích dẫn nhiều thơ và dẫn chứng"

Với môn văn, trước hết các bạn phải học thuộc thơ và thuộc dẫn chứng. Trong bài làm cố gắng trích dẫn càng nhiều thơ và dẫn chứng càng tốt. Nếu có thể, các bạn liên hệ với những bài thơ khác hoặc những tác phẩm cùng thể loại sẽ được thêm điểm cộng. Khi làm bài nên xuống dòng ở từng ý cho bài làm được mạch lạc, dễ theo dõi

  1. Trần Vĩnh Phúc (thủ khoa ĐH Xây dựng Hà Nội): "Chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến thuật"

Nên làm lần lượt, bài bất đẳng thức thường là bài khó nhất nhưng thật ra cũng chỉ xoay quanh hai cách giải chính đó là: dùng bất đẳng thức phụ hoặc khảo sát hàm số. Dùng bất đẳng thức phụ thiên về kỹ thuật nhiều hơn nên đọc thêm sách để nắm vững những kỹ thuật này. Cố gắng dừng làm bài ít nhất 10 phút trước khi hết giờ để soát lại cho cẩn thận. Trước hôm thi không nên xem thêm bài mới vì lỡ xem phải bài nào khó lại lo lắng dẫn đến tâm lý không được tốt.

Đối với môn lý, chú ý làm những câu về nguyên tử và dao động trước, vì hai phần này công thức đơn giản hơn, sau đó mới làm điện và quang. Còn với môn hóa mình cố gắng tận dụng các phương pháp không cần phải viết phương trình phản ứng như “bảo toàn khối lượng” hay “bảo toàn điện tích” để đỡ mất thời gian cân bằng. Phần vô cơ cần chú ý đến điều kiện phản ứng để tính toán sản phẩm, nếu không rất dễ tính sai kết quả vì mỗi điều kiện lại ra một sản phẩm khác... 

  1. Hứa Hải Anh (thủ khoa Phân viện Báo chí và tuyên truyền): "Bình tĩnh, thư giãn, làm bài sạch và cẩn thận"

Học quan trọng là ở cả quá trình, không nên đặt nặng thời gian gần thi. Các bạn nên luyện nhiều đề thi của các năm trước, tập trung giải quyết các vấn đề thật cơ bản, không nên quá ham các câu hỏi khó (vì chúng thường ít điểm). Với môn tiếng Anh trắc nghiệm, mình nghĩ các bạn nên cẩn thận nếu không sẽ bị bỏ sót câu hay đánh nhầm đáp án. Quan trọng là các bạn phải bình tĩnh, làm bài sạch, cẩn thận.

Tiếng Anh nhìn vào là biết câu nào làm được câu nào phải suy luận hay đoán mò. Các bạn cứ làm từ từ theo trình tự, câu nào khó đánh dấu lại làm sau. Mình thấy phần reading tốn khá nhiều thời gian, dung lượng lại dài, vì thế các bạn nên cân đối để làm cho tốt. Kì thi ĐH là kỳ thi rất quan trọng, nhưng thực tế là khi làm bài các bạn sẽ không bị run như khi ngồi chờ vào thi. Theo mình, các bạn cứ thư giãn, thử trò chuyện với các bạn cùng phòng thi trước khi vào giờ G, cũng làm bạn bớt căng thẳng hơn".

  1. Bùi Đức Ngọt (thủ khoa đại học Y Hà Nội): "Làm tuần tự, bấm giờ, chiến thuật khi hết giờ"

Nên làm lần lượt từ trên xuống dưới, câu nào chưa làm được ngay thì đánh dấu lại và chuyển qua câu khác. Sau khi làm đọc đến hết đề sẽ làm lại các câu mình chưa làm được. Trong quá trình làm nên bấm giờ, nếu gần hết thời gian vẫn còn các câu trống thì hãy dùng phương pháp xác suất để chọn câu trả lời. Chú ý, khi chọn là xác suất các câu đúng ngang nhau, ví dụ như một đề có 50 câu thì xác suất có khoảng 13 câu đáp án A đúng, 13 câu đáp án B đúng, 13 câu đáp án C đúng, 13 câu có đáp án D đúng.

Làm hết sức có thể, đến khi còn khoảng 5 phút cuối cùng thì dừng lại để thống kê số lượng đáp án đã tích. Chẳng hạn nếu số đáp án D chọn quá ít thì những câu còn lại cứ tích D, như thế sẽ tối ưu hóa được số điểm đạt được.

  1. Vũ Hoài Sơn (28 điểm khối A1, thủ khoa trường ĐH Ngoại thương Hà Nội trong đó, Toán: 8,5; Lý: 9,5 và Anh Văn: 9,75 điểm): "Làm chắc chắn, câu khó bỏ qua, rà soát kỹ"

Khi làm bài thi trắc nghiệm bao giờ cũng làm câu dễ trước rồi mới làm câu khó sau, và tuyệt nhiên khi đã làm câu nào thì phải chắc câu đó. Nếu gặp câu nào khó quá thì cuối giờ nên chọn đại một câu có khả thi nhất chứ nhất quyết không để trống, vì biết đâu đó sẽ gặp may mắn! Trước khi nộp bài, điều tiên quyết là phải dò lại bài, số báo danh, mã đề thi (trắc nghiệm) và “rà” lại trong bài thi xem câu nào còn sót thì bổ sung.

  1. Nguyễn Phương Minh (28 điểm khối A1, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng): "Bình tĩnh trước câu khó, cần trọng quỹ thời gian, không lo lắng trước từ lạ"

Toán: Phải bình tĩnh trước những câu khó: Để kiếm điểm 8-9 bài thi môn toán không quá khó. “Phải hết sức bình tĩnh mới có thể làm bài tốt môn toán. Nên chọn các câu dễ để xử lý trước. Đừng tập trung vào bài toán khó trước rồi hốt hoảng, mất tinh thần và thời gian. Cứ làm những câu mà mình chắc chắn trước để lấy điểm. Những câu khó từ từ giải quyết sau”.

Một lưu ý luôn để tâm khi làm bài, đó là mỗi khi làm những câu hình học, luôn vẽ hình sao cho thật to, rõ ràng, để khi làm bài hình không để mắc phải lỗi nào do hình vẽ. Lý: Cẩn trọng với quỹ thời gian khi làm bài: Khi làm bài môn lý, rất nhiều bạn sau khi làm bài thi đều mắc chung một sai sót, đó là không để ý đến thời gian. Cần cẩn trọng với quỹ thời gian khi làm bài thi môn lý bởi thời gian làm bài rất hạn chế.

Anh văn: Không lo lắng trước những từ lạ: Khi bắt tay vào làm bài thi, bạn cần đọc qua một lượt đề rồi bắt tay vào làm. Ở phần đọc hiểu, đừng lo lắng trước những từ lạ, mà hãy đọc hết toàn bộ cả bài để nắm bắt ý chính làm bài. Nắm được ý chính rồi thì từ lạ không còn là vấn đề nữa.

  1. Bùi Ngọc Ánh (25 điểm, thủ khoa khối C, Học viện Báo chí và Tuyên truyền): "Làm chủ thời gian là điều quan trọng"

Để làm tốt 3 môn Văn, Sử, Địa thì người học cần dựa và khả năng suy luận và phán đoán của bản thân. Với môn Văn thì nên đọc tác phẩm trước để tự rút ra những nhận định riêng về tác phẩm. Sau đó, sẽ kết hợp với những kiến thức của thầy cô giáo dạy trên lớp để xem ý nào quan trọng cần ghi nhớ. Khi làm bài, người học có thể phân tích theo các ý này theo cảm nhận của bản thân.

Môn Sử không nên học ôm đồm mà chỉ nên gạch ra những sự kiện quan trọng bằng cách vẽ sơ đồ mốc thời gian; chia ra mốc nào quan trọng cần nhớ. Từ những mốc cần nhớ đó sẽ nhớ những mốc liên quan. Môn Địa cần vẽ các sơ đồ hình cây để nhớ các ý lớn và ý nhỏ. Khi làm bài mỗi người nên căn chỉnh thời gian làm phù hợp đối với từng câu. Tùy vào số lượng và số điểm của câu mà các sĩ tử nên phân chia thời gian phù hợp để làm. Ví dụ, câu 4 điểm thì nên làm từ 40 – 50 phút, còn câu 2 điểm thì chỉ nên làm trong vòng 20 – 30 phút là hợp lí.

  1. Hoàng Thị Thanh Huyền (26.5 điểm, thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2): "Bình tĩnh đọc và phân tích đề"

Sau khi nhận đề thi phải: Bình tĩnh, học qua đề 1 lượt, nên làm bài nghị luận văn học trước rồi đến nghị luân xã hội và cuối cùng là phần đọc hiểu. Với môn Văn, cần trình bày rõ ràng, sạch sẽ, giữ tâm lí thoải mái trong khi làm bài để có được bài văn súc tích, giàu cảm xúc.

  1. Nguyễn Hữu Tiến (29.5 điểm, thủ khoa ĐH Y Hà Nội): "Điều độ, cẩn trọng, xác định rõ mục tiêu"

Cần ăn ngủ điều độ, giữ tâm thế thoải mái để ngày thi đạt hiệu quả. Khi thi môn trắc nghiệm, làm cẩn trọng, dễ làm trước, khó làm sau, câu nào không giải được nên để lại đến cuối giờ chọn ngẫu nhiên. Chú ý những câu hỏi đơn giản mà dễ bị lừa hoặc tô nhầm đáp án dẫn đến việc mất điểm rất đáng tiếc. Với những môn tự luận, đọc kỹ đề và nghĩ hướng giải trước khi làm bài. Chú ý đến cách trình bày sao cho hợp lí, logic để người đọc dễ hiểu.

Trong đề thi Toán, bài phương trình, hệ phương trình, bất phương trình, giải tích phẳng, hình không gian và bất đẳng thức là các câu khó khiến nhiều bạn gặp vướng mắc. Nếu chỉ muốn lấy 6,7 điểm, thí sinh có thể bỏ các chuyên đề này. Muốn được 8,9 thì nên tập trung giải phương trình, bất phương trình và hình không gian. Đặc biệt, những bạn nào mong rinh điểm tuyệt đối, ngoài những chuyên đề trên cần ôn thêm bài bất đẳng thức. Câu hỏi phân loại học sinh trong đề Toán khối B thường ra vào dạng bài này. Cần suy nghĩ hướng làm bài, tránh lỗi tính toán hay bỏ sót phần điều kiện. Điều này sẽ gây mất điểm đáng tiếc, tốn thời gian, hậu quả là mất tinh thần và khó hoàn thành tốt bài thi. Để tránh những lỗi này, nên tận dụng máy tính mang theo thử lại đáp án.

Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý đến việc trình bày bài rõ ràng, dễ nhìn. Khi giải được bài nào nên kiểm tra luôn đáp án bài đó bằng máy tính. Việc phân bổ thời gian phụ thuộc vào khả năng và mục tiêu của từng bạn. Tốt nhất, một bài toán, không nên bỏ quá 15 phút để suy nghĩ. Nếu khó quá, ta bỏ qua và làm bài khác. Sau đó, nếu còn thời gian, mới làm những bài đã bỏ để tăng điểm. Đối với môn Hoá học, thí sinh cần có kiến thức vững vàng, tính toán cẩn thận vì bài tập môn này thường có nhiều cách giải và thời gian thi ngắn.

Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi đại học 2016 sắp tới.

Thảo luận bằng facebook