blog

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết

16/02/2015 trong Giáo dục

Xã hội hiện đại khiến cho bố mẹ thường ít có thời gian chơi với con cái hơn. Trẻ con ngày nay ngày càng đam mê với những món đồ điện tử công nghệ cao mà không được biết đến những trò chơi dân gian mà bố mẹ chúng thường chơi ngày xưa, hoặc chí ít cũng đã được biết đến nhưng không có cơ hội chơi. Những trò chơi dịp Tết, nhân dịp thời gian nghỉ dài và bố mẹ sẽ có thêm nhiều thời gian quây quần bên gia đình, con cái, có lẽ đây là dịp thích hợp để các phụ huynh, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ nên dạy cho bé những trò chơi dân gian đơn giản mà vui vẻ . Nó vừa giúp cho cả nhà có những giây phút vui vẻ, đầm ấm yêu thương vừa có thể gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và các con. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi giúp cho những phụ huynh có thể ôn lại những khoảnh khắc vui vẻ của thời thơ ấu, vừa giúp cho bé có thể học thêm những trò chơi dân gian đơn giản nhưng không kém phần thú vị và bổ ích.

Những trò chơi dân gian này đều có đặc điểm chung là rất an toàn, không cầu kì, phức tạp và cách chơi rất đơn giản, dễ nhớ. Bố mẹ sẽ chỉ cần chuẩn bị một vài dụng cụ đơn giản trong nhà như mảnh vải, viên đá hoặc một vật dụng bất kỳ trong nhà để chơi với bé hoặc thậm chí không cần một đồ vật gì cũng có thể chơi được. Hơn nữa những trò chơi này rất gần gũi và thân thuộc với các em nhỏ bởi nó đã gắn liền với thế hệ cha ông của người Việt Nam, hầu như ai cũng biết đến. Nó giúp bé có một ấn tượng sâu đậm gắn liền với tuổi thơ và giúp bé hướng về nguồn cội của mình khi hiểu biết hơn về những trò chơi dân gian của ông cha. Khi chơi những trò chơi này, nó rất có ích cho việc phát triển thể chất cũng như trí tuệ của các em. Với một số trò chơi gắn liền với các bài đồng dao đi kèm, các bé sẽ cảm thấy hứng khởi hơn và cũng là một cách để các bé trau dồi khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức mới và nâng cao khả năng ngôn ngữ của bản thân. Vì thế, bố mẹ hãy sẵn sàng để khuyến khích và cùng bé chơi những trò chơi dân gian thú vị Megamart giới thiệu dưới đây nhé.

Chi chi chành chành

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết 1

Với trò chơi này, bố mẹ không cần chuẩn bị một dụng cụ gì cả, cũng không đòi hỏi có sân chơi lớn hay cần nhiều người chơi. Với những động tác bằng tay nhanh nhẹn, trò chơi sẽ có tác dụng rèn luyện khả năng phản xạ nhanh nhẹn cho các bé. Trò chơi “ Chi chi chành chành” có thể chỉ cần 2 người chơi là bạn và bé và thích hợp để chơi với những bé trong khoảng 1 tuổi trở lên.

Cách chơi trò chơi này rất đơn giản như sau:

Một người xòe bàn tay ra và người còn lại giơ một ngón tay đặt trên lòng bàn tay người đó. Bạn và bé cũng có thể hoán đổi vị trí người xòe bàn tay và người giơ ngón tay để trò chơi linh hoạt và thú vị hơn. Sau đó, người xòe bàn tay đọc bài đồng dao trong trò chơi:
“Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào”

Khi đọc đến chữ “vào” thì người chơi sẽ nắm bàn tay lại còn người giơ ngón tay trong lòng bàn tay người này sẽ phải nhanh tay rút ngón tay về. Nếu không kịp thì sẽ bị người kia nắm trúng và bị thua cuộc sau đó đến lượt phải xòe tay ra để chơi tiếp. Kết thúc trò chơi, bé sẽ có những giây phút thật vui và học cách rút tay thật nhanh nhưng vẫn phải tuân theo đúng luật chơi và cười giòn giã vì mình vừa thắng trong trò chơi chi chi chành chành này. Nó còn giúp bé làm quen với những từ ngữ và nhịp điệu của bài đồng dao để luyện khả năng đọc chậm rãi, rõ ràng cũng như ghi nhớ chúng.

Kéo cưa lửa xẻ

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết 2

 

Một trò chơi cũng rất giống với “Chi chi chành chành” nhưng giúp bé vận động nhiều hơn và có những hoạt động thể chất đòi hỏi sự kết hợp của cả cơ thể đó là trò chơi”Kéo cưa lửa xẻ”. Mẹ và bé cũng có thể chơi trò chơi dân gian này ở nhà với cách chơi cũng rất đơn giản và không cần một dụng cụ nào trong trò chơi. Mẹ ngồi đối diện bé và cầm nắm chặt tay bé. Vừa hát bài đồng dao dưới đây vừa làm động tác đầy người qua từng bên người chơi và lại đẩy lại tương ứng với mỗi một câu hát. Động tác này giống như hai người thợ cùng nhau chung sức cưa một khúc gỗ và hát bài hát sau:

“Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khỏe

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ”

Khi bài hát kết thúc cũng là lúc cưa kéo về bên nào thì người đó bị thua. Đây là một trò chơi dân gian rất bổ ích với các bé vừa có tác dụng giúp bé vận động với những động tác đơn giản, nhẹ nhàng như một bài tập thể dục hàng ngày vừa có tác dụng trong việc giúp bé học được thêm những kiến thức mới mẻ và qua những bài đồng dao đơn giản dễ thuộc, dễ nhớ và quan trọng là thật vui và bổ ích. Trò chơi này thích hợp để chơi khi có 2 người và dành cho các bé trong độ tuổi 1-3 tuổi.

Oẳn tù tì

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết 3

Đây là trò chơi đã trở nên quen thuộc với rất nhiều trẻ em từ trước đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới với những phiên bản tên gọi và câu hát đi kèm khác nhau. Nhưng ở tất cả mọi nơi đều có chung một cách chơi đó là người chơi sẽ đưa tay đung đưa theo nhịp câu hát và quyết định ra một cái kéo hay một búa hay là lá. Nếu nắm tay vào là búa, chĩa hai ngón trỏ ra là kéo và xòe cả bàn tay ra thì là lá. Nguyên tắc của trò chơi là búa thắng được kéo, kéo cắt được lá và là bọc được búa. Tùy theo người chơi ra quyết định là gì thì sẽ quyết định được ai là người thằng và ai là người thua. Trò chơi này rất thú vị và có thể chơi được nhiều người cùng một lúc, bố mẹ cũng có thể kết hợp trò chơi này cùng với nhiều trò chơi khác để có thể quyết định ai là người chơi trước, ai là người phải chuẩn bị vật dụng trò chơi... Đây cũng là một trò chơi dân gian được các trẻ em chơi rất nhiều từ trước đến nay và bài hát thường được các em hát theo khi chơi đó là:
“Oẳn tù tì

Ra cái gì?

Ra cái này!”

Trò chơi này có thể gợi mở cho bé sự tinh nhanh và còn có khả năng rèn luyện tính phán đoán cũng như khả năng phản xạ nhanh nhẹn của bé. Không chỉ tăng tính gắn kết với bố mẹ, bé cũng có thể chơi trò này cùng bạn bè và học cách hòa đồng và vui chơi cùng tập thế. Bố mẹ có thể dạy trò chơi “Oẳn tù tì cho bé kể từ khi lên 2 tuổi bởi lúc này bé đã có thể nhận biết được các sự vật và nhận thức được cái kéo dùng để cắt, cái búa dùng để đóng đinh cũng như mỗi lần oằn tù tì bé sẽ phải tự suy nghĩ thật nhanh xem sẽ “ ra cái gì” bây giờ.

Ô ăn quan

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết 5

 

Trò chơi ô ăn quan thường thân thuộc với trẻ em ở nông thôn hơn với trẻ ở thành phố bởi những vật dụng thường chơi trong trò chơi này như hòn sỏi, viên đá có rất nhiều xung quanh trẻ cũng như trẻ có thể kẻ ô ngay trên nền đất và chơi ở đó. Trẻ em thành phố thường ít sân chơi tự do hơn ở nông thôn, vì vậy để chơi trò chơi dân gian này, bố mẹ có thể vẽ ô ra giấy và cắt theo khuôn mẫu cho bé và thay cho các viên sỏi, hòn đá khó kiếm bằng những vật dụng khác dễ kiếm hơn có thể thay thế được. Đây là một trò chơi được trẻ em rất yêu thích bởi nó giúp bé có thể vận dụng khả năng tính toán, rèn luyện tư duy thông minh và sáng tạo hơn. Nó cũng giúp cho các bé làm quen với cách suy nghĩ để đạt được hiệu quả và thành công lớn nhất rất tích cực.

Cách chơi của trò chơi này đó là bé sẽ dựa vào các ô trong khung hình chữ nhật của trò chơi rồi chia làm 10 ô vuông, mỗi cạnh dài của hình chữ nhật có 5 ô vuông nhỏ đối xứng nhau., trong đó ở hai cạnh ngắn của hình chữ nhật là hai hình bán nguyệt lớn được gọi là nhà quan. Các ô vuông nhỏ được gọi là nhà dân và có 5 quân nhỏ được tượng trưng là những viên sỏi, viên đá nhỏ còn ô lớn ở hai đầu được gọi là ô quan với hai viên đá to hơn.

Đầu tiên bé sẽ dải mỗi ô vuông nhỏ nhà dân gồm 5 quân, sau đó lần lượt từng người chơi sẽ dải đều những quân ở nhà dân đi khắp các ô khác đến khi nào dừng lại mà có một ô trống ở phía trước thì sẽ được “ăn” số quân và có thể là cả “quan” nếu phía trước là ô của nhà quan. Nếu không thì tiếp tục dải tiếp nhưng cần lưu ý là không được dải nhà quan mà nếu ô tiếp theo là nhà quan thì dừng lại và đến lượt chơi của người kia.

Sau khi rải hết số quan và quân trên các ô, người chơi sẽ tổng kết xem ai có nhiều quân và quan hơn người đó sẽ thắng. Trò chơi này rất phù hợp với những bé ở độ tuổi tiểu học tiểu lên giúp cho các bé có thể vận dụng khả năng tính toán và suy nghĩ thông minh hơn.

Rồng rắn lên mây

Những trò chơi dân gian bố mẹ nên dạy bé ngày Tết 6

Trò chơi thú vị này sẽ có thể kết hợp nhiều người chơi với nhau rất hấp dẫn và chỉ cần một không gian an toàn là các bé có thể thoải mái chơi và nô đùa. Nếu nhà bạn có nhiều người và nhiều trẻ con, bạn nên cho bé chơi những trò chơi như “Rồng rắn lên mây” để có thể tăng khả năng phối hợp, đoàn kết của bé trong tập thể và có những giây phút vui chơi thật đáng nhớ.

Hơn nữa, để chơi “Rồng rắn lên mây”, bé sẽ cần phải học cách phản xạ thật nhanh nhẹn và di chuyển khéo léo để tránh được người bắt mình. Trò chơi đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe tốt và các phụ huynh cũng cần thường xuyên theo dõi, quan sát bé để bé không nô đùa, chạy nhảy quá sức. Hãy rủ các bé tham gia trò chơi mang đậm giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc này nhé.

Cách chơi trò chơi này cũng rất đơn giản và không cần phải chuẩn bị dụng cụ đó là một người sẽ đóng vai thầy thuốc và các bé còn lại sẽ xếp thành một hàng nuối đuôi nhau tay người phía sau đặt lên vai người phía trước hoặc nắm lấy vạt áo người phía trước, vừa đi qua đi lại như con rắn và hát theo bài đồng dao:

“Rồng rắn lên mây
Có cây xúc xắc
Có nhà hiển minh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?
“Thầy thuốc” sẽ trả lời tùy ý“Thầy thuốc đi chơi (hay đi chợ, đi câu cá , đi vắng ...)”

Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi thầy thuốc trả lời: “Có!”
Bây giờ hai bên sẽ tiếp tục đối đáp:

“-Cho tôi xin ít lửa.
- Lửa làm gì? (Thầy thuốc hỏi)
- Lửa kho cá.
- Cá mấy khúc?
- Cá ba khúc.
- Cho ta xin khúc đầu.
- Cục xương cục xẩu.
- Cho ta xin khúc giữa.
- Cục máu cục me.
- Cho ta xin khúc đuôi.
- Tha hồ thầy đuổi.”

Lúc này bắt đầu cuộc rượt đuổi thú vị và thầy thuốc phải cố gắng bắt được người cuối cùng trong hàng. Còn người đứng đầu phải dang tay để ngăn cản không cho thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình và mọi người đứng sau sẽ chạy thật nhanh để né tránh thầy thuốc. Nếu để bị bắt thì người đó sẽ phải lên làm thầy thuốc và trò chơi tiếp tục.

Còn rất nhiều trò chơi dân gian thú vị khác mà tuổi thơ những ông bố, bà mẹ đều có thể được chơi trong suốt thời thơ ấu của mình. Nhân dịp lễ Tết cổ truyền, hãy dành thời gian quan tâm đến trẻ em nhiều hơn và dạy cho bé chơi những trò chơi dân gian thú vị và bổ ích này vừa là mang lại tiếng cười trẻ thơ trong trẻo phù hợp với lứa tuổi của trẻ vừa mang lại cho con bạn những phát triển về cả mặt thể chất và tinh thần.

Thảo luận bằng facebook