blog

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu?

20/07/2015 trong Tư vấn

Bố mẹ ly hôn là điều mà chắc chắn bất cứ ai cũng đều không mong muốn. Là một người mẹ, ai cũng mong cho con mình có đủ cả cha cả mẹ. Là một người cha, ai cũng muốn mang đến cho con một mái ấm gia đình sum họp để trở về đoàn tụ. Và với trẻ con cũng vậy, là một đứa con, chắc chẳn chẳng đứa trẻ nào muốn lựa chọn chỉ bố hoặc mẹ.

Đó chắc chắn là những lý do mà khiến mỗi người đều hiểu rằng ly hôn là điều không nên làm và không nên bao giờ xảy ra đối với gia đình của những đứa trẻ. Thế nhưng, vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, sau những bữa “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” và mỗi người đều cho rằng với cha mẹ khi không thể vượt quá một mức giới hạn cuối cùng để chung sống hạnh phúc cùng nhau thì giải pháp cuối cùng chính là ly hôn.Vậy với trẻ con thì sao?

Ly hôn ảnh hưởng đến trẻ như thế nào ?

Người lớn thường không hiểu tâm lý trẻ nhỏ khi có bố mẹ chuẩn bị hoặc đã ly hôn, nhưng thực chất giai đoạn này tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều và phức tạp. Bố mẹ đôi khi vì nghĩ cho bản thân nhiều hơn, hoặc cũng lo cho hạnh phúc của con nhưng không còn lựa chọn nào khác để giải thoát cho bản thân.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 1

Giai đoạn bố mẹ ly hôn ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ nhỏ

Chắc chắn rằng hạnh phúc không thể gượng ép nhưng nếu là cha mẹ thì thường sẽ nghĩ vì con mình mà cố để cho con có được hạnh phúc. Khi cha mẹ ly hôn, đó là sự kết thúc của một cuộc sống gia đình thường ngày, và sẽ dẫn đến những thay đổi rất lớn đối với những đứa trẻ trong gia đình. Điều bố mẹ cần làm đó là chuẩn bị một cuộc sống mới giúp trẻ có thể đối mặt với sự thật và không hận thù bố mẹ về việc này.

Điều 81, Luật hôn nhân gia đình đã quy định:

Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 2

Khi đi đến quyết định ký vào đơn xin ly hôn, hãy nghĩ đến con cái của bạn

Thực tế đã cho thấy, dù được chăm sóc đầy đủ nhưng trẻ vẫn nhận thấy những khác biệt và tác động đến suy nghĩ và cuộc sống của trẻ. Người lớn sẽ nghĩ trẻ con càng nhỏ thì càng không biết gì nhưng điều này lại hoàn toàn sai lầm. Trẻ chắc chắn vẫn cảm nhận thấy sự thiếu thốn, có thể cả về vật chất lẫn tinh thần khi chỉ sống cùng bố hoặc mẹ. Thêm vào đó, chứng kiến những căng thẳng giữa bố mẹ cũng khiến cho trẻ bị ức chế và tổn thương.

 Và thậm chí, trẻ còn vẫn bị những triệu chứng căng thẳng đến vài năm sau khi bố mẹ ly hôn. Hơn nữa, trẻ thường sẽ không biểu hiện nhiều thái độ của mình khi bố mẹ ly hôn bằng lời nói, mà biểu hiện bằng hành động của mình. Trẻ sẽ giận dữ, làm những việc bốc đồng, hung hăng hoặc bỏ ăn, lầm lì, lâu dần có thể sẽ bị trầm cảm.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 3

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm khi bố mẹ ly hôn

Trẻ có những biểu hiện này là do trẻ không muốn đối mặt với sự thật là bố mẹ ly hôn. Trẻ sẽ rất sợ hãi và rối loạn bởi không còn cảm thấy an toàn như trước đây trong vòng tay bố mẹ. Hơn nữa, bé cũng sợ bố mẹ hết yêu thương mình và đồng thời tự dối bản thân là chuyện bố mẹ ly hôn không có thật. Chắc chắn những cuộc tranh cãi, gây gổ của bố mẹ khiến trẻ cảm thấy buồn và có thể nghĩ rằng trẻ cần có trách nhiệm tìm mọi cách để hàn gắn bố mẹ như cũ.

Trong một số trường hợp, trẻ bị ảnh hưởng rất lớn bởi cú sốc bố mẹ ly hôn và lo lắng không biết minh sẽ ở với ai, ở đâu và sống ra sao. Trẻ sẽ khó chấp nhận việc thay đổi trong cuộc sống của mình và gặp khó khăn trong việc thích ứng với cuộc sống mới thiếu bố hoặc mẹ.

Bố mẹ cần làm gì để giúp con đối mặt sự thật

Trong khi bố mẹ chuẩn bị ly hôn và sau thời gian ly hôn, ngoài bố mẹ nên có những người thân trong gia đình như ông bà nội ngoại, anh chị em họ hàng, bạn bè… ở gần bên trẻ và giúp trẻ vượt qua cú sốc này. Điều này giúp trẻ hiểu rằng còn có rất nhiều người luôn ở bên và giúp đỡ, sẵn sàng che chở cho trẻ. Nhưng vẫn cho trẻ hiểu rằng không phải hoàn toàn không cần bố mẹ mà bố mẹ vẫn luôn yêu thương trẻ, chỉ là ngoài bố mẹ, vẫn còn rất nhiều người khác nữa ở bên trẻ.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 4

Được sự quan tâm của người thân bạn bè xung quanh  là cách trẻ có thể vượt qua khó khăn

Trẻ cũng có thể vượt qua giai đoạn này tích cực hơn nếu có thể: không chuyển chỗ ở, vẫn được gần gũi với những người thân thuộc, ít nhất cha hoặc mẹ cần tâm sự và nói chuyện với trẻ. Trẻ vẫn được gần gũi cả cha cả mẹ thời gian sau bố mẹ ly hôn và hạn chế không để trẻ chứng kiến cuộc tranh cãi, cãi nhau của bố mẹ trước hoặc sau thời gian ly hôn.

Và quan trọng nhất, đó là bố mẹ hãy tìm thời điểm thích hợp để nói cho trẻ biết về cuộc ly hôn này. Bố mẹ nói chuyện với con một cách chân thật, cởi mở và tâm sự với trẻ. Đừng làm trẻ lo lắng, sợ hãi hơn mà hãy cho trẻ hiểu rằng bố mẹ ly hôn sẽ tốt hơn và trẻ vẫn được bố mẹ yêu thương mà không có gì thay đổi cả.

Thời điểm nói cho trẻ biết về việc bố mẹ ly hôn không nên quá muộn để cho trẻ chuẩn bị tinh thần. Tốt nhất là khoảng một hoặc hai tuần trước khi bố mẹ chính thức không còn sống chung với nhau nữa. Nhưng cũng không nên nói quá sớm với trẻ, bởi sẽ làm trẻ lo lắng trong thời gian dài.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 5

Thời điểm nói với trẻ về sự thật cũng cần cân nhắc kỹ càng

Khi nói cho trẻ biết, tốt nhất bố mẹ nên nói chuyện với bé ở nhà, trong phòng của bé và không có người ngoài. Trẻ cần có thời gian và không gian riêng để có thể thoải mái khóc, nói to hay ôm bố mẹ mà không phải để ý người khác.

Và nên nói cho tất cả con bạn cùng một lúc, không nên nói cho đứa này biết trước đứa khác. Như thế sẽ làm giảm bầu không khí nặng nề trong gia đình và những đứa trẻ cũng không tị nạnh nhau.

Bố mẹ ly hôn, con sẽ đi đâu về đâu? 6

Trẻ sẽ trải qua những khủng hoảng tâm lý tùy theo mức độ khi bố mẹ ly hôn

Chắc chắn trẻ sẽ có rất nhiều câu hỏi về tại sao cha mẹ lại ly hôn. Cần chia sẻ thắng thắn và thành thật với trẻ, tất nhiên trong phạm vi con trẻ nên biết, và quan trọng là nói với trẻ dù bố mẹ không sống cùng nhau vẫn luôn yêu thương trẻ và việc ly hôn này không phải do lỗi của trẻ. Tất cả sẽ giúp trẻ nhìn nhận rõ hơn vấn đề và không trách cứ bố mẹ nữa.

Cuối cùng, việc ly hôn là điều mà không một ai muốn xảy ra cả, thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ không đạt được hạnh phúc trọn vẹn khi sống cùng cả cha cả mẹ của mình. Chúng ta hãy cùng xem một bài thơ của một đứa con có bố mẹ ly hôn để thấy rõ hơn tâm lý của trẻ nhé.

“Nín đi em bố mẹ bận ra Tòa
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm
Bố mẹ đi từ sớm, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?
Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về
Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng ra vào tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa có mẹ thì thôi không có bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…
Nín đi em! – Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình…”

Thảo luận bằng facebook